Tin tức

ĐO LƯỜNG VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DÂN

Đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh, quốc phòng. Hoạt động đo lường diễn ra hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, quốc phòng, an ninh… ở mỗi quốc gia, trên phạm vi khu vực và toàn thế giới.

Đo lường còn bảo đảm sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mua bán, thanh toán hàng hoá, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân; tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường; thúc đẩy lưu thông hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động đo lường bao gồm việc thiết lập và sử dụng đơn vị đo; thiết lập và sử dụng chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường.

Ngay từ khi mới giành được độc lập, Nhà nước đã quan tâm thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự. Sau mấy chục năm nỗ lực xây dựng, hệ thống đo lường của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đồng thời cũng bộc lộ rõ những bất cập cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Để xây dựng và quản lý đo lường, ngay từ năm 1950, Nhà nước ta đã ấn định một hệ đơn vị đo quốc gia trên cơ sở Hệ đơn vị đo quốc tế. Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo cũng đã được xác lập gồm chuẩn quốc gia và các chuẩn có độ chính xác thấp hơn là chuẩn chính và chuẩn công tác.
Đến nay, chúng ta đã có gần 35 chuẩn quốc gia, trên địa bàn các địa phương, gần 5.000 chuẩn chính, chuẩn công tác đã được trang bị, sử dụng tại các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tại các tổ chức kiểm định phương tiện đo.

 

Tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã có các chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu kiểm tra, hiệu chuẩn, duy trì độ chính xác các phương tiện đo sử dụng tại cơ sở. Các chuẩn đo lường của địa phương, của cơ sở được liên kết với chuẩn quốc gia thông qua hoạt động kiểm định của các tổ chức kiểm định được chỉ định hoặc hoạt động hiệu chuẩn của các phòng hiệu chuẩn được công nhận.

Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường từ Trung ương đến địa phương, hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo trên địa bàn cả nước đã được xác lập. Đến nay, cả nước đã có hơn 230 tổ chức được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo với chuẩn đo lường, trang thiết bị và phương tiện kiểm định khá đầy đủ với trên 2.800 kiểm định viên được đào tạo cơ bản cả về lý thuyết và thực hành kiểm định đối với từng chủng loại phương tiện đo cụ thể.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu của hội nhập, đo lường vẫn còn một số bất cập. Độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế. Một số trường hợp, chưa đủ khả năng kiểm định, hiệu chuẩn được các chuẩn có độ chính xác cao đang được sử dụng trong các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, môi trường, khí tượng thuỷ văn, bưu chính viễn thông, hàng không dân dụng, hàng hải, quốc phòng… Một số lĩnh vực đo, chuẩn đo lường quốc gia của ta chưa đủ khả năng tham gia so sánh vòng trên phạm vi khu vực và quốc tế.

Việc đầu tư rải rác trong nhiều thời kỳ khác nhau, được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau nên chuẩn đo lường, trang thiết bị còn mang tính chắp vá; khả năng đồng bộ giữa độ chính xác, phạm vi đo và thiết bị sao truyền còn hạn chế. Nhiều lĩnh vực đo còn thiếu chuẩn và thiết bị sao truyền như lĩnh vực điện, hoá lý – mẫu chuẩn hoặc gần như hoàn toàn chưa được đầu tư như lĩnh vực điện áp tần số cao, công suất tần số cao, quang, âm.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, thiết lập, duy trì, khai thác sử dụng chuẩn đo lường chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, có nơi chuẩn đo lường có độ chính xác cao chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư, bên cạnh đó lại có những nơi không có đủ chuẩn đo lường để sử dụng.

Hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay hiện mới chỉ đáp ứng từ 60% đến 70% nhu cầu kiểm định (khoảng 28 triệu phương tiện đo các loại). Nghĩa là còn từ 30% đến 40% số phương tiện đo thuộc Danh mục phải kiểm định chưa được kiểm định theo quy định. Mặt khác, hiện còn một số lượng không nhỏ tổ chức kiểm định phương tiện đo (điện năng, nước sạch, xăng dầu) đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ này, đã gây hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

 

Công nghiệp sản xuất phương tiện đo còn nhiều hạn chế, trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước. Hầu hết các chủng loại phương tiện đo dùng làm chuẩn và các phương tiện đo chính dùng trong công nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo mang tính chuyên nghiệp rất ít, sản lượng thấp, manh mún, trình độ công nghệ thấp, chất lượng phương tiện đo không ổn định.

Việc thực hiện phép đo theo quy định do các tổ chức, cá nhân thực hiện và được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, nhưng hoạt động kiểm tra, thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu. Các hành vi vi phạm quy định về đo lường đối với việc thực hiện phép đo (trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch… và trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn) ngày càng tinh vi, phức tạp. Với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sự tăng trưởng nhanh chóng của hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động kiểm tra, thanh tra cần phải có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu.

Trước thực trạng hoạt động đo lường và thực trạng pháp luật về đo lường ở nước ta cho thấy, để giải quyết những bất cập trong hoạt động đo lường hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, việc ban hành và thực hiện Luật Đo lường để điều chỉnh thống nhất và toàn diện hoạt động đo lường ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách.

Nguồn tin: vietq.vn